Uyên Ương Hồ Điệp Mộng
Hư Hư Lục
[ Đăng bài ]

Người Hóa Xà Niêng
Thuở xưa có một chàng trai dũng cảm, sống tại một bản làng hiền hòa… Tuy mới lớn lên nhưng đã từ lâu chàng là chỗ nương tựa của cha mẹ, các em cũng như những thân quyến gần xa. Cha chàng hài lòng về những đức tính quả cảm cương quyết không lùi bước trước một trở lực nào của chàng. Bà mẹ thường nhìn những bắp thịt rắn chắc của con bằng tấm lòng từ ái pha lẫn niềm tự hào. Chàng trai đã sinh ra và lớn lên giữa ruộng lúa nương khoai trong tình yêu của cha mẹ, sự tin cậy của đàn em cùng những bạn bè đồng trang lứa trong thôn làng.

Ngày tháng êm đềm trôi qua như dòng sông nhịp nước hiền hòa vẫn đều đặn lên xuống nuôi sống đồng lúa và những người dân quê an phận chất phác. Cho đến một hôm khi nhìn những tia nắng rực rỡ bốc lên từ rặng núi xa xa… những đọt cây lay động trên nền trời im lặng, chàng trai bỗng thấy lòng dấy lên một ước muốn kỳ lạ. Trong thoáng chốc chàng nghe từng giọt máu cuộn sôi trong huyết quản… Có một niềm ao ước mãnh liệt thúc đẩy dữ dội. Cuộc sống quá bình an đến độ tẻ nhạt, làm chàng chán ngán… Núi rừng thêm hùng vĩ, đậm màu hứa hẹn. Và như một cánh chim sổ lồng chàng khăn gói ra đi, theo gót chân những kẻ tìm trầm để lại trong lòng thân quyến sự lo âu, niềm ái ngại và nhớ nhung khôn tả…

Như bao kẻ ngậm ngải tìm trầm khác để chống những sơn lam chướng khí, thú dữ của rừng thiêng chàng trai đã phải nuốt một thứ ngải kịch độc… nhờ đó mà chàng có thể thoát khỏi miệng hùm, nanh sói cũng như những cơn bệnh chết người của rừng già. Nhưng… cũng như bao nhiêu con dao hai lưỡi khác, chất ngải thiêng nó vừa giúp chàng trai bảo vệ thân thể, vừa tàn phá cùng biến đổi thể xác kẻ tìm trầm…

Nhiều tuần trăng trôi qua bóng người ra đi vẫn biền biệt… Thân nhân chàng trai cứ dõi mắt nhìn về phía mặt trời lặn để tìm chàng. Niềm hy vọng của họ sống mong manh như một màu lá úa. Cho đến một hôm, trời vừa chập choạng tối, họ hãi hùng thấy xuất hiện trên ngưỡng cửa một bóng dáng nửa người nửa ngợm: chàng trai đã hóa xà niêng.

Em thân mến!

Ðang sống êm ấm trong vòng tay của ba má bên sách vở cùng những bạn bè đồng trang lứa… Em bỗng khởi lên một ý nghĩ đi tìm chân lý và em đã sổ lồng bay theo lý tưởng ấy chẳng khác nào chàng trai đi tìm trầm nọ.

Ðể đối phó với ngũ dục bát phong trên con đường tìm đạo, em đã “nuốt” không biết bao nhiêu là pháp môn… Những pháp môn này giúp em an tâm đi tìm chân lý… giữ vững tinh thần niềm tin của mình và cho đến một ngày nào đó, em chợt nhận ra rằng sao mà mình hỏng giống ai hết, sao mà mình khó chịu, khó ưa đến nổi mình chịu mình cũng hết nổi rồi. Ngày xưa em thơ ngây, dịu dàng, tế nhị, dễ thương bao nhiêu thì bây giờ em cộc cằn, héo úa, thô lỗ, khả ố bấy nhiêu. Những người chung quanh thở dài nhìn em và em cũng thở dài với mình. Em đã hóa xà niêng… Cái pháp môn giúp em chống chỏi với ngũ dục bát phong thật tài tình cũng là một con dao hai lưỡi, y hệt như cục ngải thiêng nọ. Nó làm cho em càng ngày càng u ám, uể oải, mất hết sinh khí, buồn rầu, chán nản. Em có thấy như thế không?

Nếu em chưa nhận ra điều này… và vẫn thấy mình còn đầy năng lực sức sống, đang cố gắng và không ngừng cố gắng, nỗ lực áp dụng một pháp môn nào đó mà em đã lựa chọn với bao nhiêu là đắn đo và nhiệt huyết. Nếu như thế thì em đừng đọc thêm gì nữa. Hãy gấp quyển vở này lại và cứ tiếp tục con đường em đang đi: em chưa đến giai đoạn khủng hoảng bế tắc… có nghĩa là chưa hóa xà niêng… thì những dòng chữ sau này sẽ làm em ngờ vực, tức tối và nổi giận cho mà coi.

Nhưng, nếu em đang bước đến giai đoạn đường cùng… vô vọng, em chỉ muốn được thở một hơi dài, được ngủ một giấc an lành không mộng mị. Và vì những ước mơ này chưa bao giờ được thỏa mãn nên đã hơn một lần em nghĩ đến chuyện hủy hoại thân em! Cái chết đối với em không còn ghê tởm mà em lại coi như một ân huệ cuối cùng.

Nhưng hỡi ơi! Làm sao mà chết được? Có phải em đang lâm vào tình trạng này không? Ðích thị là em đã hóa xà niêng mất rồi… Hay nói theo kinh điển thì em là kẻ đã cho ngón tay là mặt trăng, ôm chiếc bè sang sông cho là bờ bên kia… Vì lầm lẫn như thế nên em đã làm méo mó cả bàn tay lẫn mặt trăng, chiếc bè lẫn bến đỗ… vậy thì còn chần chờ gì nữa mà em không buông bỏ tất cả, quẳng hết đi những lý tưởng xa và gần, những toan tính lo âu, cầu xin, chờ đợi, những nỗ lực cố gắng v.v… Em hãy nằm xuống nhắm mắt để thân và tâm mình thư giãn hoàn toàn như những ngày thơ bé em nằm ngủ say trong tay mẹ giữa nệm ấm chăn êm của một thời chưa cất bước phiêu lưu. Em đừng sợ mất hết những sở đắt của mình. Ðây là chỗ kinh Kim Cang đã nhấn mạnh “Pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp.” Có nghĩa là những gì tốt cũng phải bỏ huống nữa là xấu.

Sau giấc ngủ em sẽ hồi sinh… và chung quanh em mọi người sẽ đón em trở về với một nụ cười… cũng như chú xà niêng nọ cởi lốt trở lại hình người trong những giọt lệ, tiếng cười của thân quyến.

Những giòng chữ tôi viết trên đây nếu có làm em khó chịu thì xin nhận nơi đây lời tạ lỗi… Em vẫn chưa mất mát gì… nên tôi không lấy làm ân hận lắm… Quyển “Hư hư lục” này xin khép lại nơi đây, nằm đúng vị trí khiếm tốn của nó “hư hư” có nghĩa là “không có thật, không có thật” đó em!

Người ta kể rằng chỉ có chất trầm mới giải được cái độc kịch liệt của cục ngải thiêng, chất trầm này nằm trong cây, trong rừng, ngoài thân thể của con người (cũng vì vậy mà tôi không thể kể cho em nghe chuyện chàng trai đã cởi lốt xà niêng như thế nào…)

Riêng chúng ta, chất thuốc giải độc không nằm trong rừng, trong cây hay bất cứ chốn sơn cùng thủy tận nào… mà ở nơi chính mình… dễ dàng và giản dị đến nổi thành khó tin. Cũng vì thế mà Ngài Sa Di Cao trong thiền sử đã than:

“Chớ bảo họ không có
Chỉ tại họ không ti
n”

Em nghĩ sao?
Views: 949
Total comments: 0
Tên *:
Email *:
Code *:
Y&M

Thể loại

Login form


Thống kê

Đang Online : 1
Khách: 1
Thành viên: 0


Chia sẻ